Địa ốc sẽ xuống giá sau "cú sốc" bán tháo? In

Địa ốc sẽ xuống giá sau "cú sốc" bán tháo?

Thứ ba, 01/11/2011, 14:40 GMT+7

Rất có thể, sau cú dumping (giảm giá) của PVL sẽ là một đợt xuống thang của thị trường BĐS. Đây cũng là lẽ công bằng, bởi giá BĐS ở Việt Nam đã bị đẩy lên quá cao so với sức mua của một nước đang phát triển.


Chuyện Công ty Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố bán tháo dự án để trả nợ ngân hàng với dư luận hẳn là một tin sốc, nhưng với những ai am hiểu về thị trường này sẽ thấy đó là một quy luật tất yếu. Bởi, khi quả bong bóng giá bơm căng trong một thời gian dài thì chuyện xì bớt hơi là đương nhiên.

Chỉ có khác nhau là cách xì và tốc độ xì bao nhiêu mà thôi. Trước đó, nhiều doanh nghiệp nhà đất khác cũng phải âm thầm hạ giá, khuyến mại ưu đãi khó tin rồi đến đại hạ giá cho khách hàng, nhằm giải quyết khó khăn về vốn.

Sau sự bùng phát của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản Việt Nam đang thăng hoa ở đỉnh cao rồi chững lại, im lìm... Trước khi thị trường này đóng băng, hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bỗng kêu như vạc mùa hè. Rằng với sự rớt giá nhà đất thê thảm thế này thì thua lỗ, rằng với lãi suất ngân hàng leo thang thế này thì làm ăn ra sao, rằng các thủ tục hành chính rối ren này thì chi phí đi đêm liên tục thăng hoa...

Tuy nhiên, nếu ai để ý kỹ sẽ thấy rằng, dẫu thị trường có suy giảm nhưng không có đại gia bất động sản nào bỏ cuộc, cũng không thấy một doanh nghiệp nào phá sản. Thậm chí, trên mảnh đất màu mỡ này, vẫn liên tục có thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia. Nguyễn Mạnh, một nhân vật có cỡ trong đám nhà đất phát biểu, dẫu thị trường có xấu đi nhưng bất động sản vẫn là nơi hấp dẫn, nơi có thể bỏ một vốn bốn lời. Thị trường đóng băng, kiên nhẫn thêm chút nữa sẽ đến ngày bừng sáng.

Đó là những ý nghĩ thật thà của người trong cuộc, bởi, ai đã từng ra nước ngoài sẽ thấy, ít có một thị trường bất động sản nào lý tưởng như Việt Nam. Ở các nước phát triển, các nhà đầu tư bất động sản, muốn có dự án phải có tiền tươi thóc thật, chí ít cũng cỡ dăm chục phần trăm tổng số vốn đầu tư của dự án. Có đất rồi, làm hạ tầng hoàn chỉnh, xây dựng cơ bản, chìa khoá trao tay, nhưng nào đã thu được hết tiền. Hầu hết khách hàng là những người mua nhà trả góp. Thứ nhanh thì trả góp dăm năm, thứ khác là 10 năm, 20 năm thậm chí có dự án trả góp đến 25 năm.

Trong khi ở xứ ta, chỉ cần có chút tiền cỡ vài chục phần trăm, có khi còn thấp hơn của dự án là có thể chinh chiến. Thoạt đầu là xin được chủ trương đầu tư rồi đền bù, giải phóng mặt bằng. Với những dự án chung cư, sau khi bơm móng xong là có thể đàng hoàng ra sàn giao dịch bán nhà... trên giấy. Cứ thế thu tiền của khách hàng để phục vụ cho việc xây cất, hoàn thiện căn hộ.

Với các dự án đất nền, còn đơn giản hơn. Chỉ cần hoàn thành cơ bản về hạ tầng là có thể phân lô bán nền, với giá bán cao hơn giá trị thực nhiều lần. Đó là với những doanh nghiệp làm đúng luật kinh doanh bất động sản, còn với những doanh nghiệp lách luật thì ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư là đã có thể huy động vốn từ khách hàng dưới hình thức: Hợp tác đầu tư mà thực chất cũng chỉ là cách thu tiền trước của khách mà thôi.

Cũng bởi những chính sách thông thoáng như thế nên có thể nói, chỉ trong vòng vài chục năm lại đây đã xuất hiện vô số các tiểu gia, đại gia về bất động sản. Những con xe đắt tiền nhất được nhập vào Việt Nam, những khu resort sang trọng nhất là của các nhà buôn đất. Thị trường này không chỉ thu hút các doanh nghiệp doanh nhân mà cả giới công chức cũng sẵn sàng trốn công sở tham gia thị trường. Lướt nhanh qua sàn chứng khoán có thể thấy, những tên tuổi lẫy lừng trên sàn hầu như đều không bỏ qua cơ hội đầu tư vào thị trường béo bở này.

Chẳng hạn như, ông Đoàn Nguyên Đức không chỉ làm bóng đá, làm thuỷ điện mà còn có khu chung cư với hàng chục toà tháp Hoàng Anh Gia Lai ở Nam Sài Gòn cùng với đó nhiều khách sạn hạng sang ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Gia Lai... Đó là chưa nói đến hàng trăm triệu phú, tỷ phú đô la kinh doanh ở các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp còn ẩn mình chưa thèm lên sàn.

Sự bốc nhanh của các đại gia trên thị trường bất động sản ngoài tài năng của họ, sự mầu mỡ của thị trường này còn có một yếu tố khác nữa là giá bán ở ta hiện quá cao so với giá trị thực. Theo các chuyên gia ở lĩnh vực này, một mét vuông căn hộ chung cư hạng trung, được hình thành với giá xây dựng ở thời điểm này vào khoảng 8 triệu đồng. Cộng với giá trị đất được phân bổ (tuỳ theo vị trí) cộng với lãi vay cùng với các khoản chi phí khác, ở mức trung bình, mỗi mét vuông cũng chỉ lên tới xấp xỉ 12 triệu đồng.

Vậy nên chuyện Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí bán tháo 85 căn hộ của dự án Petro Vietnam Landmark, với giá15,5 trđ/m2 và chấp nhận chịu lỗ 70 tỷ đồng chỉ là một cách nói, cách diễn đạt mà thôi. Đành rằng, trong kinh doanh không ai lại bán nhà bằng giá thành. Bởi, sau giá thành còn có thể phát sinh nhiều chi phí không mong muốn. Đặc biệt là với một môi trường pháp lý như ở Việt Nam, muốn có dự án phải có nhiều khoản lót tay không tên mà không phải ai cũng nói ra được.

Trong trường hợp của PVL, với giá bán đó, một doanh nghiệp biết chặt chẽ trong cách hạch toán đều có thể thu hồi đủ vốn, và có lãi.

Còn nhớ, cách đây không lâu, Hà Nội mở sàn bán các căn hộ cho người có thu nhập thấp, theo đó 328 căn hộ tại tòa nhà CT1 ở Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai đầu tư được chào với giá khởi điểm là 8,8 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Tất nhiên, với căn hộ cho người thu nhập thấp, doanh nghiệp được hưởng một số ưu đãi từ nhà nước như giá thuê đất, các khoản nghĩa vụ nộp ngân sách. Cùng với đó là các trang bị nội thất của căn hộ loại này không khắt khe như trường hợp của PVL. Ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai, cho biết, với giá đó, doanh nghiệp đã có chút lãi.

Công bằng mà nói chuyện PVL khó khăn là có thực, áp lực trả nợ ngân hàng là có thực. Trong bối cảnh không bán được hàng, khó tiếp cận vốn vay, áp lực trả nợ tăng cao nên buộc phải tìm mọi cách để đẩy hàng, cắt lỗ càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, với giá bán 15,5 triệu đồng/m2 không phải là mức giá quá shock như người ta vẫn thường nghĩ. Trong bối cảnh nền kinh tế còn u ám, cung nhiều hơn cầu, rất có thể, sau cú dumping (giảm giá) này sẽ là một đợt xuống thang của thị trường bất động sản. Đây cũng là lẽ công bằng, bởi giá bất động sản ở Việt Nam đã bị đẩy lên quá cao so với sức mua của một nước đang phát triển.

(Theo VEF)